Ngày 16/7, Liên Hợp Quốc thông báo số ca lây nhiễm virus HIV mới và tử vong vì bệnh AIDS trên toàn cầu đã giảm hơn 1/3 trong thập kỷ qua, làm dấy lên hy vọng có thể loại bỏ được căn bệnh thế kỷ này. Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết, số ca tử vong liên quan căn bệnh này giảm từ 1,7 triệu người trong năm 2012 xuống 1,5 triệu người trong năm ngoái. Đây là sự sụt giảm mạnh nhất kể từ khi tỷ lệ người chết vì AIDS lên đến đỉnh điểm trong các năm 2004-2005. Bên cạnh đó, số ca lây nhiễm mới cũng giảm hơn 2 triệu ca trong năm 2013, giảm 38% so với mức trên 3 triệu ca trong năm 2011. Vẫn còn 35 triệu người sống chung với HIV
Trong năm 2013 có 35 triệu người sống chung với virus HIV trên toàn cầu, trong số này có 19 triệu người không biết mình bị lây nhiễm.
Châu Phi vẫn là nơi chịu tác động mạnh nhất với 1,1 triệu trường hợp tử vong vì AIDS. Châu lục này phát hiện 1,5 triệu ca lây nhiễm mới và gần 25 triệu người sống chung với virus HIV. Đáng chú ý nhất là Nam Phi, tiếp đến là Nigeria. Ở châu Á, mối lo ngại tập trung vào Ấn Độ và Indonesia với số ca lây nhiễm ở Indonesia tăng 48% kể từ năm 2005. Lý do được đưa ra bởi chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa hoạt động hữu hiệu ở những nước này, chẳng hạn như số lượng bao cao su phòng bệnh chưa được phân phát đầy đủ cho người cần dùng. Nỗ lực không ngừng nghỉ với cuộc chiến chống HIV/AIDS
Tuy nhiên, theo ông Michel Sidibe - người đứng đầu UNAIDS, nhìn chung trong năm qua thế giới đã đạt được bước tiến quan trọng như tăng số người được sử dụng thuốc kháng ARV lên gần 13 triệu người so với mức hơn 5 triệu người trong năm 2009. Ông Sidibe kêu gọi các chính phủ và cộng đồng trên toàn quốc tế cần nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thế giới vẫn cần những hành động quyết liệt khi vẫn còn 35 triệu người đang chung sống với HIV. Những gặt hái trong 5 năm tới sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của nhân loại 15 năm sau đó. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này đối với người đồng tính, người chuyển giới, tù nhân, người tiêm chích ma túy và người làm nghề mại dâm, các đối tượng chiếm khoảng một nửa số ca lây nhiễm mới trên toàn thế giới. Hiện tại, nguồn tài trợ cho cuộc chiến chống HIV/AIDS đã tăng từ khoảng 4 tỷ USD năm 2002 lên trên 19 tỷ vào năm 2013. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc khó huy động được 22-24 tỷ USD vào năm 2015, vì vậy các chuyên gia trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS sẽ phải nỗ lực tìm ra những giải pháp hữu hiệu để đạt đạt mục tiêu này. |