Theo Nghị định này, doanh nghiệp kiểm toán là công ty TNHH phải có vốn pháp định là 3 tỷ đồng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (ngày 1 tháng 5 năm 2012). Từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, yêu cầu vốn pháp định sẽ là 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài muốn thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán là 500.000 USD. Vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được thấp hơn vốn pháp định đối với công ty TNHH như trên. Trong thời gian hoạt động, doanh nghiệp kiểm toán hoặc chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán thấp hơn mức vốn pháp định nêu trên trong thời gian 3 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Việc thành lập công ty TNHH kiểm toán 2 thành viên trở lên bị ràng buộc về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư là tổ chức. Theo đó, thành viên là tổ chức chỉ được góp tối đa 35% vốn điều lệ. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ. Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm hạn chế khả năng ảnh hưởng của tổ chức đối với kết quả kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán. Tuy nhiên, chất lượng báo cáo kiểm toán phụ thuộc chủ yếu vào trình độ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Việc hạn chế tỷ lệ góp vốn sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng kiểm toán. Thành viên là tổ chức phải cử một người làm đại diện cho tổ chức vào Hội đồng Thành viên. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là kiểm toán viên và phải đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán mà tổ chức tham gia góp vốn. Tuy nhiên, kiểm toán viên hành nghề là người đại diện của thành viên là tổ chức không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp kiểm toán đó với tư cách cá nhân. Mỗi công ty kiểm toán (TNHH) phải có ít nhất 2 thành viên góp vốn là kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kiểm toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty. Kiểm toán viên hành nghề không được đồng thời là thành viên góp vốn của 2 doanh nghiệp kiểm toán trở lên. Quy định này sẽ buộc các kiểm toán viên phải gắn bó chặt chẽ với công ty kiểm toán, bảo đảm ổn định hoạt động của công ty kiểm toán, nhưng mặt khác lại làm giảm khả năng cạnh tranh thu hút các kiểm toán hành nghề của công ty kiểm toán, vì một số kiểm toán hành nghề giỏi nhưng không có vốn để góp. Một dịch vụ mới được mở ra theo Luật Kiểm toán độc lập là dịch vụ kiểm toán qua biên giới. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 17, để được cung cấp dịch vụ này thì phải đáp ứng nhiều điều kiện rất ngặt nghèo như: được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán của nước sở tại, có vốn chủ sở hữu 500.000 USD, có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam, có ký quỹ tương đương vốn pháp định tại ngân hàng thương mại Việt Nam. Điều kiện khó nhất là phải có văn bản của cơ quan quản lý hành nghề của nước đặt trụ sở chính xác nhận không vi phạm pháp luật trong 3 năm liền, có 5 kiểm toán viên được Bộ Tài chính Việt Nam cấp giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán, trong đó có người đại diện theo pháp luật. Điều đó có nghĩa là còn lâu các doanh nghiệp Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. |