Diễn đàn thu hút hơn 200 người là đại diện nhóm tự lực của những người có HIV, người hoạt động mại dâm, sử dụng ma túy, bạn tình của những người có HIV, đồng tính nam, sinh viên, phụ nữ tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tôn giáo, từ thiện từ 40 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Nhiều vấn đề được trao đổi tại diễn đàn như kinh nghiệm tổ chức nhóm của người có HIV, sử dụng ma túy, hành nghề mại dâm, dự phòng và xử lý sốc ma túy, trong đó “bạn tình âm tính của người có HIV” và “vai trò của tôn giáo trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS” được nhiều thành viên quan tâm, chia sẻ…
Một chuyện tình
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình yêu đích thực vẫn luôn trong sáng, diệu kỳ, cứu rỗi tâm hồn con người với đủ mọi cung bậc vui sướng, đau buồn. Người có HIV/AIDS có cuộc sống đầy biến động, đôi khi bị nhấn chìm dưới sự kỳ thị, ngăn cản của người thân, bạn bè, cộng đồng. Tình yêu của họ vì thế cũng không giống những người bình thường, nhưng vẫn khiến những ai tìm hiểu sâu hơn về đời sống của họ cảm thấy xúc động và xót xa.
Một câu chuyện tình được chia sẻ tại diễn đàn khiến nhiều người xúc động. Chị Nguyễn Mai T (Hà Nội) là một phụ nữ có HIV. Ngoài 30 tuổi nhưng chị vẫn toát lên vẻ đẹp thánh thiện, dịu dàng như thiếu nữ. Hơn 20 tuổi, T. đã nếm trải tất cả cay đắng của một người vợ trẻ: Chị phát hiện chồng nghiện ma túy và có HIV khi chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Chồng đột ngột qua đời khi T. chưa kịp sinh con. Bị nhà chồng hắt hủi, chị ôm con về nhà mẹ đẻ trong ánh nhìn miệt thị của xóm giềng và bị buộc thôi việc ở Trung tâm thể dục thẩm mỹ….Niềm tin yêu cuộc sống trở lại với chị sau khi tham gia nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” ở Hà Nội. Ở đó, T. gặp chàng trai chưa vợ, kém chị 3 tuổi và không có HIV, đem lòng cảm mến. Qua cung cách làm việc và ứng xử của chị, anh vẫn đinh ninh chị là cán bộ của dự án, chứ không phải một đồng đẳng viên HIV. Khi T mời anh đi uống cà phê và nói rõ hoàn cảnh của mình, anh đã lặng đi… Nhưng rồi, vì thực sự yêu và thông cảm với quá khứ đau buồn của chị, anh chấp nhận đối mặt với vô vàn những khó khăn mà dư luận đánh giá về người có HIV. Họ đã là vợ chồng được gần 10 năm và tình yêu anh dành cho chị vẫn đằm thắm như ngày đầu…Sự chia sẻ rất riêng tư của T là đời sống tình dục an toàn và bao cao su là biện pháp duy nhất chị lựa chọn để bảo vệ người thân yêu của mình.
Hãy thông cảm và sẻ chia
Tôn giáo góp một phần không nhỏ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo nghiên cứu của GS-TS Phan Thị Phi Phi (Trường Đại học Y Hà Nội) và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, khi dùng kinh Phật tụng niệm hỗ trợ điều trị HIV/AIDS trên 28 người bệnh nhân, kết quả cho thấy, các chỉ số tế bào miễn dịch chống HIV đều tăng trong 6 tháng, người bệnh không bị chuyển sang giai đoạn AIDS. Nhiều chuyên gia nước ngoài khẳng định, “thiền” có khả năng giúp người bệnh HIV/AIDS kháng cự với căn bệnh một cách hiệu quả.
Diễn đàn xã hội dân sự hợp tác phòng chống AIDS thành lập theo sáng kiến của Viện nghiên cứu phát triển xã hội, mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Mạng lưới sức khỏe và phát triển.
Mục tiêu chiến lược của diễn đàn:
-Tạo ra diễn đàn để các tổ chức xã hội dân sự chia sẻ thông tin, phát biểu ý kiến tranh luận và nâng cao năng lực.
-Củng cố hình ảnh của xã hội dân sự như một lực lượng thống nhất với sự đa dạng về thế mạnh, hiểu biết và tài năng.
-Đạt được một cơ chế bảo đảm việc đóng góp thường xuyên từ xã hội dân sự trong xây dựng chính sách và trong thiết kế, lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động của chương trình phòng, chống AIDS ở cấp quốc gia và địa phương.
-Thống nhất hành động trong các vấn đề ưu tiên đối với xã hội dân sự trong lĩnh vực phòng, chống AIDS. |
Từ năm 2002, Việt Nam triển khai chương trình “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo”tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực. Với người bị nhiễm HIV/AIDS, các tăng ni, phật tử giúp họ thông qua việc chăm sóc tại nhà và bệnh viện khi họ bị ốm hoặc bị thương; hướng dẫn họ các phương pháp thiền trị liệu, thực hiện các nghi lễ của tôn giáo, tổ chức các khóa tu để họ vượt qua khủng hoảng và bất an để sống vui, sống khỏe; cung cấp thức ăn, thuốc nam và cả địa điểm để họ được điều trị khi bước vào giai đoạn cuối. Nếu những người bị nhiễm HIV và gia đình của họ đang phải chịu đựng sự phân biệt đối xử của cộng đồng thì chư tăng, ni và phật tử giải thích thông qua các cuộc nói chuyện thân thiết, các buổi thuyết giảng giáo lý giúp họ vượt qua thành kiến. Họ thể hiện tinh thần không phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS bằng cách thăm gia đình của người có HIV, nói chuyện, đọc kinh, cầu nguyện cho họ và thỉnh thoảng ăn uống cùng họ. Những hoạt động này làm giảm đáng kể sự xa lánh đối với những người bị nhiễm HIV.
Thanh Thủy - Bao hai phong
http://www.baohaiphong.com.vn/channel/4905/201006/Giup-nguoi-co-HIV-them-tin-yeu-cuoc-song-1972087/
|