Tìm tin tức
Tìm mẫu VB
Dich vu Tu van doanh nghiep
Dich vu tranh tung bao chua bao ve
Dich vu giai quyet tranh chap noi bo
Dich vu soan tham tra van ban
Dich vu dai dien so huu tri tue
Dich vu lam chung cong chung
Dich vu dieu tra dan su
Dich vu dao tao tuyen truyen
Dich vu thue ke toan
THỐNG KÊ
 
Ngôi nhà “ết” và chuyện tình làm thần chết mủi lòng
Đó là một ngôi nhà có một không hai ở Hà Nội, nơi nhiều người trẻ tuổi đang cận kề với cái chết, đến với nhau...

Đó là một ngôi nhà có một không hai ở Hà Nội, nơi nhiều người trẻ tuổi đang cận kề với cái chết, đến với nhau...

Cứ ngỡ vào đây sẽ bắt gặp sự u buồn, lạnh lẽo, nào ngờ tôi đã thực sự ngạc nhiên trước bầu không khí vui tươi, lấp lánh những nụ cười. Và có một mối tình giống chuyện cổ tích mà dường như cũng khiến cho thần chết mủi lòng...

Một gã trai ăn chơi bạt mạng, đêm thường ngập ngụa trong rượu và gái, cứ tưởng cuộc đời như một mâm cỗ được dọn sẵn ra… Nhưng, một ngày cầm tờ kết quả xét nghiệp HIV dương tính trong tay, “tay chơi” đó đã sụp đổ, đã đi ra sông Hồng tự tử nhưng khi nước lạnh ngập đến thắt lưng mới hoảng hốt nhận ra rằng: Chết cũng khó lắm thay.

“Tôi đã ngủ 3 ngày liền và không ăn được bất cứ thứ gì. Mẹ của tôi đã chăm sóc tôi suốt 3 đêm liền. Tình thương của mẹ đã kéo tôi trở về hiện tại”. Tiến - gã trai chơi bời ngày nào đang ngồi trước mặt tôi – cúi đầu: “Bữa cơm đầu tiên sau khi ra khỏi giường, tôi đã ăn liền 3 bát. Sức bật của con người thật kỳ diệu. Tôi đã đứng lên, đi làm bình thường, chờ đợi cái chết như một điều hiển nhiên và không thèm quan tâm đến bất cứ thứ gì cho đến một ngày…”.

Đó là một ngày người thanh niên có HIV ấy gặp Lan – cô gái Hà Nội nhỏ nhắn, xinh đẹp, miệng luôn mỉm cười. Tiến yêu người con gái đó từ cái nhìn đầu tiên. Càng yêu càng tuyệt vọng, càng cảm thấy Lan xa vời như ảo ảnh.

Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, những người có HIV gần như bị cô lập với thế giới xung quanh. Tiến bị khinh ghét, xa lánh, bị gán cho đủ thứ tệ nạn, trong khi Lan đáng yêu và trong sáng quá…

Từ nãy đến giờ, ngồi bên Tiến, cô gái đó im lặng lắng nghe, cho đến khi tôi hỏi: “Khi quen Tiến, em đã biết anh ấy nhiễm HIV chưa?”. Lan mỉm cười: “Em biết. Hồi đó chúng em chơi trong một nhóm bạn. Lúc đó, em hơi tò mò không biết người có HIV sẽ như thế nào. Cảm giác đầu tiên khi tiếp xúc với Tiến là anh ấy không phải là người xấu. Trước đây em nghĩ rằng người nhiễm HIV hiện diện ở một nơi nào đó rất xa. Em bắt đầu tìm hiểu về HIV/AIDS trên sách báo và tại các trung tâm tư vấn. Em nhận ra rằng HIV chỉ là sự suy giảm miễn dịch chứ không suy giảm trí tuệ và nhân cách. Em muốn gần Tiến để động viên, nhưng chẳng hiểu sao anh ấy lại cố tình xa lánh”.

Tiến trầm tư một lúc: “Lúc đó, tôi yêu Lan vô cùng nên không muốn mang đau khổ đến cho cô ấy. Tôi khao khát gặp Lan nhưng khi Lan đến tôi lại hờ hững. Tự tôi cho rằng một người bình thường như Lan không thể hiểu tâm trạng những người có HIV như tôi. Không biết chia sẻ với ai, tôi bỏ đi lang thang. Nhưng Lan đã chủ động gặp tôi và nói: “Anh tự kỷ, không cho mình được sống theo tiếng gọi của con tim, tự cô lập có đáng không? Anh có thể không hiểu rằng anh đang làm cho hình ảnh của những người cùng sống với HIV/AIDS đẹp hơn nhưng em nhận thấy và em khâm phục, ngưỡng mộ anh. Anh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, sao anh cứ tự dày vò mình mãi thế?”.

Sau sự “đánh thức” đó, hai người đã thực sự đến với nhau. Họ yêu nhau như lẽ tự nhiên phải thế, yêu nhau quên cả HIV, quên cả tháng ngày, thấm thoắt đã được 4 năm. “

Cưới hay không cưới?”, câu hỏi đó cứ dày vò Tiến mãi… Nhưng Lan đã thúc giục, thuyết phục, đã khóc chỉ để được trở thành vợ của một người có HIV. Đám cưới của họ được tổ chức vào năm ngoái, cả hai cười rạng rỡ, dù cho lời chúc “trăm năm hạnh phúc” nghe mới chua xót làm sao! Người có HIV có trăm năm hạnh phúc được không?

Cho đến tận hôm nay, Lan vẫn giấu gia đình chuyện Tiến có HIV. Tôi hỏi: “Có bao giờ em cảm thấy hối tiếc khi yêu và cưới Tiến không?”. Lan cười rất tươi: “Thà đau khổ vì yêu còn hơn không bao giờ được yêu”.

Từ ngày yêu nhau cho tới khi thành vợ thành chồng, Tiến và Lan đã dấn thân vào một con đường mà trước đây họ chưa bao giờ nghĩ đến: Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Cách đây 5 năm, Tiến cùng với một số người có HIV lập ra một nhóm lấy tên là “Vì ngày mai tươi sáng”. Nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” thường xuyên sinh hoạt, họ đến nhà hàng, khách sạn, tụ điểm chích hút ma tuý để phát bao cao su cho gái mại dâm, nói về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho những người nghiện hút.

Nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” được Hội phụ nữ quốc tế tài trợ mở một quán cafe vừa làm nơi sinh hoạt, vừa có điều kiện tuyên truyền phòng chống HIV cho khách hàng.

Lần đầu tiên tôi đến quán café đó là một ngày hè năm 2004. Quán nằm trong một con ngõ có tỷ lệ nhà nghỉ có lẽ là cao nhất Hà Nội. Bước vào quán, đập vào mắt tôi là những bức tranh và rất nhiều tờ rơi, sách báo nói về HIV/AIDS. Trong cái quán cafe đặc biệt này, tôi thấy những chàng trai cô gái đi lại nói cười như thể trong mình không mang căn bệnh thế kỷ.

Mỗi người một cảnh, cảnh ngộ nào cũng có gì đó tức tưởi, xót xa. Thanh, đẹp trai, con nhà giàu 21 tuổi đã du học ở úc. Cuộc đời đang lên như mầm cây xanh ngắt bỗng bị phạt ngang ngọn khi Thanh nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Về nước Thanh tình nguyện làm cho một tổ chức quốc tế chăm sóc bệnh nhân AIDS và vẫn thường đến quán cafe này với nụ cười tươi rói. Hương, thợ may, bị nhiễm HIV từ chồng, chồng chết, một mình nuôi con, cắn răng không cho bố mẹ đẻ biết mình mắc bệnh…

Vắt kiệt sức kiếm tiền nuôi con, Hương cùng Lan còn tham gia dự án Word Vision “Tiếp cận gái mại dâm, tư vấn sử dụng bao cao su và phòng tránh HIV/AIDS”. Ngay cả các thành viên trong nhóm cũng ngạc nhiên khi thấy Hương, Lan ngày nào cũng đi đến những điểm nóng về “ết” như nhà trọ, khách sạn, quán karaoke, để phát bao cao su miễn phí và tư vấn cho gái mại dâm.

Tài liệu tuyên truyền của những người có HIV

Điều đó chẳng dễ dàng gì, bởi đầu tiên đã phải vượt qua được “cửa ải” của mấy gã bảo kê dữ tợn rồi lân la tiếp cận với các cô cave chuyên “ngủ ngày cày đêm”. Đã có nhiều cô “cave” coi Hương, Lan và các thành viên của nhóm như người thân. Vài cô sau khi được tư vấn đã hoảng sợ đến mức bắt xe ôm về nhà ngay trong đêm.

Một số cô sau khi được tư vấn đã đi xét nghiệm và kết quả là dương tính. Và sau khi biết mình có HIV, một vài người con gái tỉnh lẻ quê mùa đã nói trong nước mắt: “Do không biết gì, em đã ngủ với hàng trăm người đàn ông mà không dùng bao cao su!”.

Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng…

Tiến – trưởng nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” đưa ra một thông tin khiến tôi ngỡ ngàng: Từ một nhóm nhỏ với 5-6 thành viên, cho đến nay “Vì ngày mai tươi sáng” đã được nhân rộng ra trên 10 tỉnh, thành trong cả nước. Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên… những địa phương đang trở thành điểm nóng về HIV/AIDS, “Vì ngày mai tươi sáng” đều đã “phủ sóng”.

Tổng thành viên đã lên tới 100 người. Nhưng Tiến chưa hài lòng: “Như thế so với tỷ lệ người có HIV vẫn là con số quá ít ỏi. Thử hình dung xem Quảng Ninh có khoảng 10 nghìn người có HIV, Hải Phòng, Hà Nội xấp xỉ như vậy. Sự mặc cảm của những người có HIV đang rất lớn, đa số không muốn công khai mình bị HIV. Có lẽ nỗi sợ bị kỳ thị đang quá lớn. Sự kỳ thị đấy thể hiện ngay trong cách gọi. Đừng dùng từ nhiễm HIV mà hãy thay bằng từ có HIV”.

Ít ai biết rằng, mới đây, trong cuộc gặp gỡ giữa nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” với báo chí, Tiến đã thẳng thắn nói ra lời đề nghị của mình. Đề nghị đó được lắng nghe và sau đó giới truyền thông đã thay đổi cách dùng từ.

Quán cafe mà tôi đã gặp Hương vào mùa hè năm ngoái cứ thưa dần khách vãng lai và đông dần những người có HIV/AIDS. Nơi đây giờ đã trở thành ngôi nhà chung của những người mắc căn bệnh thế kỷ đến để chia sẻ với nhau những thông tin về AIDS cũng như những vui buồn cuộc sống.

Tôi đến ngôi nhà đó khi Lan và Hương đang gấp những tờ rơi để chuẩn bị đi rải những nơi công cộng. Tờ rơi được thiết kế khá đẹp với nội dung: “Chúng tôi là những người sống chung với HIV/AIDS mong muốn chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ những người bạn cùng cảnh ngộ. Đến với chúng tôi, bạn sẽ cảm thấy tin cậy, an toàn đảm bảo không tiết lộ thông tin cá nhân…”. Phía dưới có dòng chữ: “Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có những người tuyệt vọng vì hoàn cảnh”.

Thông điệp đầy nhân ái đó đã được gửi đi và nhiều người “tuyệt vọng vì hoàn cảnh” đã đến đây để có lại niềm hy vọng.

Một buổi tập văn nghệ truyền thông về HIV/AIDS (những người trong ảnh không phải nhân vật trong bài)

Đó là một phần trong dự án Core-Care Việt Nam do quốc tế tài trợ mà nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” đang thực hiện. Tiến bây giờ đã được nhiều tổ chức quốc tế biết đến như một trong những người hoạt động phòng chống HIV/AIDS tích cực nhất. Tiến không thể ngờ mình - một gã trai hư hỏng ngày nào – hôm nay được đứng trên các diễn đàn sang trọng ở nhiều nước trong khu vực phát biểu về HIV/AIDS…

Lấy nhau đã 2 năm, nhưng nhờ biết phòng tránh, Lan không bị nhiễm HIV từ chồng. Cô muốn có con, nghe nói ở Singapore, Thái Lan người ta đã dùng kỹ thuật tách virut HIV ra khỏi tinh trùng nhưng chi phí cũng rất tốn kém. Số tiền ấy, nếu có phải dùng vào những việc khác cần hơn. Việc cần làm mà Lan đang ấp ủ, ấy là lo cho 84 đứa trẻ con của những người có HIV trong câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng”. Mai đây tất cả 84 đứa trẻ ấy sẽ mồ côi.

Gần 10 năm có HIV mà lạ thay có vẻ như Tiến ngày càng khỏe mạnh. Tử thần đã mủi lòng trước tình yêu của Tiến và Lan chăng? Tiến đã chứng kiến nhiều cái chết của những thành viên “Vì ngày mai tươi sáng”, khủng khiếp, đau đớn lắm. Nhưng Tiến đã viết như thế này trong tự truyện của mình: “Tình yêu làm tôi không mảy may nghĩ tới cái chết. Tôi sống Vì ngày mai tươi sáng dù ai đó có xót xa mà nói rằng ngày mai của những người có HIV chẳng bao giờ tươi sáng đâu! Đối với tôi cuộc sống là vĩnh cửu”.

Phùng Nguyên – viet bao

(*) Tên những nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

 

http://vietbao.vn/Phong-su/Ngoi-nha-et-va-chuyen-tinh-lam-than-chet-mui-long/70006258/262/

 

 

 

(Nguồn: )
Các tin khác:
Mạng lưới Vì Ngày Mai Tươi Sáng (6/7/2010)
Giới thiệu về nhóm Nhóm tự lực VNMTS Hà nội (6/7/2010)
Hạnh phúc ngọt ngào của cặp vợ chồng có HIV (21/4/2010)
Chứng lão hóa sớm ở người mang HIV (10/2/2010)
500 câu hỏi liên quan đến pháp luật và kiến thức HIV/AIDS (27/1/2010)
Danh sách địa chỉ tư vấn, chăm sóc người HIV/AIDS (27/1/2010)
Kiến thức cơ bản nhất về HIV/AIDS (8/1/2010)
Video_kiến thức HIV/AIDS (7/1/2010)
Methadone - niềm hy vọng mới cho người nghiện (7/12/2009)
VĂN PHÒNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ HIV/AIDS_TẠI HẢI PHÒNG (20/11/2009)
VĂN PHÒNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ HIV/AIDS TẠI TỈNH QUẢNG NINH (20/11/2009)
VĂN PHÒNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ VỀ HIV/AIDS_ HÀ NỘI (20/11/2009)
Văn phòng trợ giúp pháp lý HIV/AIDS_Tại HCM (20/11/2009)
Văn phòng trợ giúp pháp lý HIV/AIDS_Tại An Giang (20/11/2009)
Hết HIV sau một ca giải phẫu! (20/11/2009)
TƯ VẤN TRỰC TUYẾN
HÌNH ẢNH MỚI NHẤT
VĂN BẢN ĐƯỢC QUAN TÂM
 LAW ON ENTERPRISES 2020 - Luật doanh nghiệp 2020 tiếng Anh
 LAW ON PUBLIC EMPLOYEES No. 58/2010/QH12 - This Law provides for public employees: rights and obligations of public employees; and recruitment, employment and management of public employees in public non-business units.
 LAW AMENDMENTS TO TAX LAWS No. 71/2014/QH13
 LAW ON INVESTMENT No. 67/2014/QH13 - This Law deals with business investments in Vietnam and outward business investments.
tra cuu van ban.com
Danh bạ luật sư
O ma ba thu_Phai
VCOP phải
Thu no sealaw
Tư vấn HIV 18001521
sealaw.vn
Phu & luat su
www.masterbrand.com.vn/
Thiết kế 2009 - LUẬT SƯ ĐÔNG NAM Á |SEALAW| www.sealaw.vn | www.dichvuthuno.com | www.tracuuvanban.com | www.vcop.vn
Địa chỉ : 76 Cù Chính Lan, Thanh Xuân, Hà Nội | Email: luatsudongnama@yahoo.com.vn / ĐK: 01030256/TP/DKHD
Điệnn thoại: 024.35656858 / 024.22178898 - Fax: 024.35656858 - Hotline: 090 2278899 - 0912 717969
luat su dong nam a, luat su viet nam, luat su tu van, Search Engine Optimization | luatsudongnama