Cụ thể, họa sĩ Jaime Jasso - người sáng lập công ty đào tạo kỹ sư đồ họa CGPreceptor, đã lên tiếng phản ảnh việc chương trình Rap Việt đã sử dụng tác phẩm đồ hoạ của mình để làm nền poster chúc mừng thí sinh của chương trình.
Poster của chương trình (bên trái) và bức ảnh gốc (bên phải)
Sau khi lên tiếng tác giả đã đăng bức ảnh gốc để chứng minh. Ngoài ra, tỏ thái độ rất bức xúc, để lại lời bình “Tôi là người sáng tạo và là chủ nhân duy nhất của bức ảnh này. Công ty này chưa bao giờ hỏi ý kiến cũng như trả cho tôi bất kì khoản phí nào để sử dụng hình ảnh này. Hình ảnh này được sử dụng cho công ty và trường học của tôi, họ thậm chí còn không xóa đi logo của chúng tôi nữa. Những kẻ cắp này cần phải dừng lại hành động ngay và phải trả tiền cho các tác phẩm họ sử dụng!”.
Tác giả bức xúc để lại lời bình trên Facebook
Thêm vào đó, sự việc càng rắc rồi khi rất nhiều người phát hiện ra chỉ một tác phẩm bị sử dụng trái phép mà rất nhiều hình ảnh khác cũng bị chương trình sử dụng mà chưa được sự đồng ý của tác giả.
Một trong số những tác phẩm bị cho là “xài chùa” khác
Ngay sau đó, Vie Channel đã lên tiếng xác nhận sai sót khi sử dụng hình ảnh và liên hệ với tác giả, đơn vị sở hữu hình ảnh để xin phép sử dụng, Chương trình cũng xóa hình ảnh bị cho xâm phạm bản quyền.
Theo suy luận đơn giản, Nhà sản xuất Rap Việt phải hiểu luật bản quyền, bởi chính (8/2021) họ từng kiện Spotify về vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc “Rap Việt” và “Người ấy là ai” đòi bồi thường thiệt hại cho Vie Channel số tiền 9.530.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong bê bối lần này số lượng hình ảnh bị xâm phạm khá nhiều. Đây liệu có phải và do sơ suất như Chương trình thông báo ?
Thực tế, việc khai thác và sử dụng hình ảnh trên internet khá phổ biến. Đây không phải lần đầu tiên các chương trình truyền hình bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh. Đài truyền hình Việt Nam cũng từng vướng vào lùm xùm vi phạm bản quyền hình ảnh flycam của anh Bùi Minh Tuấn trong chương trình “Chào buổi sáng”, Chương trình “Tác phẩm mới”.
Qua sự việc này cho thấy sự thiếu ý thức pháp luật của một số chương trình truyền hình lớn. Vấn đề bản quyền hình ảnh chưa thật sự được quan tâm gây bức xúc cho tác giả khi sản phẩm trí tuệ của mình bị sử dụng trái phép. Hành vi này gây nhiều ảnh hưởng tới tác giả, nó không những huỷ hoại tính sáng tạo của tác phẩm mà còn gây mất uy tín thương hiệu mà doanh nghiệp chủ sở hữu gây dựng lên. Trong sự việc của Rap Việt, ngoài ảnh hưởng đến tác giả, ngay cả bên sử dụng trái phép hình ảnh cũng đang gặp rắc rối lớn, thể hiện qua làn sóng tẩy chay từ khán giả.
Quy định về quyền sao chép hình ảnh
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 22/2018/NĐ-CP bản quyền hình ảnh được hiểu là quyền của chủ sở hữu cũng như là các chủ thể có liên quan đối với tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác
Quyền sao chép tác phẩm là quyền tài sản đặc biệt gắn liền với tác giả, được pháp luật quy định. Việc sử dụng hình ảnh thuộc bản quyền của một cá nhân, tổ chức cho mục đích thương mại mà chưa được tác giả cho phép là hành vi vi phạm quyền tác giả. Khi muốn sử dụng quyền này, cần phải thông qua sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả cũng như trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu tác phẩm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể sử dụng tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không vi phạm bản quyền của chủ sở hữu. Tổ chức, cá nhân có thể được tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy mà không nhằm mục đích thương mại, hoặc sao chép không quá một bản để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu và thư viện không được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm đó tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Liệu Rap Việt có phải gỡ tất cả các tập được phát trên Youtube và hình ảnh vi phạm trên trang mạng xã hội ?
Đối với trường hợp vi phạm của Rap Việt, hình ảnh đã bị sao chép, chỉnh sửa và sử dụng với mục đích thương mại. Theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, bên vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Do vậy, nếu Chương trình không thương lượng được với cá nhân, tổ chức nắm giữ bản quyền hình ảnh thì Rap Việt sẽ buộc phải gỡ tất cả các tập được phát trên Youtube và hình ảnh vi phạm trên trang mạng xã hội.
Tải hình ảnh từ trang miễn phí có đảm bảo không vi phạm bản quyền
(Ảnh minh họa: Internet)
Trong trường hợp, bức hình được lưu trữ trên những tên miền cộng đồng (Public Domain) hay thuộc giấy phép (license) Creative Commons, thì bạn có thể sử dụng hình ảnh đó mà không phải lo lắng về vấn đề bản quyền.
Thực tế, hiện nay có rất nhiều website cho phép tải hình ảnh miễn phí mà không cần phải gắn bản quyền. Tuy nhiên, những trang này không phải chủ sở hữu của hình ảnh và nếu họ không có thỏa thuận nào với tác giả thì việc sử dụng cũng sẽ vi phạm pháp luật.
Do vậy, các tổ chức, cá nhân... có nhu cầu sử dụng hình ảnh nên mua hoặc sử dụng hình ảnh từ các trang uy tín để đảm bảo bản quyền hợp pháp.
Trong thời đại công nghệ thông tin, việc sử dụng hay sao chép một tác phẩm là không khó, thêm vào đó các tác giả cũng không thể đủ nguồn lực để kiểm soát và bảo vệ quyền nên tình trạng xâm phạm diễn ra ngày một nhiều. Để giải quyết vấn đề này cần phải có sự hành động từ các cơ quan quản lý Nhà nước, như hoàn thiện chính sách pháp luật nâng cao bảo hộ quyền tác giả và hành động quyết liệt hơn trong xử lý xâm phạm. Mặt khác, chúng ta có thể tận dụng triệt để công nghệ mới vào công tác thực thi quyền tác giả.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào
Tranh Nhung
|