Thứ Sáu, 12/07/2013 - 00:21
Giá thuốc đấu thầu cao hơn giá thị trường
Dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi được đưa ra thảo luận tại UB Thường vụ
Quốc hội ngày 11/7. Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự
án luật theo hướng góp ý của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa
qua, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, thường
trực UB đã thống nhất bỏ quy định hiện hành về hình thức giá hợp đồng
theo tỷ lệ % đối với tư vấn thiết kế và bổ sung quy định về các hình
thức giá hợp đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn (như hình thức giá hợp
đồng trọn gói, theo thời gian) nhằm để hạn chế việc lợi dụng nâng dự
toán công trình để hưởng lợi.
Để có cơ sở cho việc thực hiện và giám sát thực hiện hợp đồng, làm
rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia ký hợp đồng, ngăn chặn sự bán
thầu, cơ quan thẩm tra đã bổ sung thêm 12 điều khoản (từ Điều 121 - Điều
132) quy định chi tiết về quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng, quản lý
chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác trong hợp đồng, tạm ứng, thanh
toán hợp đồng…
Chủ tịch Quốc hội: “Đổi giá khiến công trình bị đội vốn, trở thành những dự án đắt nhất thế giới".
Tuy nhiên, những điều chỉnh, thay đổi này vẫn chưa thuyết phục được
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông Hùng gay gắt chỉ ra thực trạng
những tiêu cực trong hoạt động đấu thầu hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, có công trình xây dựng, giao thông nào
mà hiện không bị đổi giá sau đấu thầu, đội giá khi thanh quyết toán,
thậm chí, mức đội giá còn “vô cùng lớn”. Nêu thẳng nghi vấn đây chính là
một “chiêu trò” được tính toán trước khi đấu để có thể trúng thầu, ông
Hùng quả quyết “chính do thông thầu kiểu này nên khi trúng thầu xong là
nhà đầu tư xin điều chỉnh, đổi giá”.
“Đổi giá khiến công trình bị đội vốn, trở thành những dự án đắt nhất
thế giới. Dự án bị dây dưa, kéo dài cũng để chờ… đổi giá” – ông Hùng
công kích.
Dẫn chứng cụ thể, người đứng đầu Quốc hội nêu lại chuyện Chủ nhiệm UB
Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai từng báo cáo với đầy bức xúc về việc
đấu thầu giá thuốc, “đấu xong gì giá cao hơn giá thị trường rất nhiều”.
Việc xây cầu Cần Thơ trước đây, Chủ tịch Quốc hội cũng kể việc nhà
thầu Nhật Bản khi đó đã từng chia sẻ, theo quy định về tiền lương và giá
cả lúc bắt đầu thực hiện công trình, mức vốn được xác định nhưng chính
nhà thầu cũng phải xác định “khi làm sẽ không được như thế”. Và dù có tư
vấn, có giám sát… vốn đầu tư rót vào các công trình xây dựng cơ bản vẫn
đội lên hàng nghìn tỷ đồng, nhiều lần xin điều chỉnh giá đã thành…
“chuyện thường ở huyện”.
Ông Hùng nêu yêu cầu, luật Đấu thầu sửa đổi phải phải xử lý được
những điểm gút, thắt này. Cơ chế xử lý đối với trường hợp tiêu cực,
thông thầu bị phát hiện cũng phải rõ.
“Xử theo kiểu thiệt hại thì bồi thường, vi phạm thì phạt tiền như
hiện hành thì… nhẹ nhàng quá. Thông thầu mà không bắt được, không xử
được thì chính là tham nhũng, là lãng phí lớn. “Ruột” của vấn đề ở đây.
Phải xử theo luật phòng chống tham nhũng mới xứng đáng” – Chủ tịch Quốc
hội nói.
Không lạm phát mới chống được đội giá
Nhiều công trình xây dựng cơ bản qua nhiều lần điều chỉnh giá, tổng vốn đội lên hàng nghìn tỷ đồng (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Chỉ rõ “kẽ hở” trong luật dẫn đến việc giá đấu thầu sau khi trúng
thầu tăng cao so với ban đầu, ông Hùng cho là do có nhiều quy định về
giá hợp đồng thầu (giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố
định, giá theo đơn giá điều chỉnh và giá hợp đồng theo thời gian). Ông
Hùng nêu quan điểm không tán thành việc quy định nhiều loại giá như dự
thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu “thiết kế thế nào thì thi công
thế đấy, chứ không phải vào làm là phải thay đổi, nâng giá thầu lên.
Luật phải quy định ổn định để đấu thầu hiệu quả… Giá trúng thầu là giá
cuối cùng. Mọi rủi ro phải được tính hết vào giá trúng thầu để sau này
không phải thay đổi”.
Giải trình về quy định chống thông thầu, đội giá trong đấu thầu và
đặc biệt là phòng, chống lãng phí, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh hứa
sẽ cùng phối hợp với cơ quan thẩm tra chỉnh lý tối đa quy định này. Tuy
nhiên để có những quy định khắc phục toàn diện các bất cập trong đấu
thầu thì cần phải có thời gian.
Giải trình yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội về chỉ quy định một loại giá
đấu thầu, ông Cao Viết Sinh cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài thích
hình thức đấu thầu trọn gói (nhà thầu tuân thủ giá trúng thầu, lãi
hưởng, lỗ chịu). Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thực hiện là kinh tế
vĩ mô phải ổn định, lạm phát không cao, tỷ giá, lãi suất không biến
động nhiều gây tăng giá nguyên liệu đầu vào trong quá trình thi công để
không có chuyện nâng giá thầu.
Lấy ví dụ thực tế, ông Sinh phân tích, khi đấu thầu, nhà thầu phải
tính cả phần lãi suất đi vay khi đầu tư xây dựng công trình. Vấn đề là, ở
nước ngoài lãi suất của rất thấp, chỉ 1-2% trong khi Việt Nam có năm
lãi suất lên tới 15- 20%, khó có thể chấp nhận được mức lãi suất đó
tính vào giá khi chào thầu.
“Thực tế, giá thầu ở Việt Nam cũng tính đến trượt giá, hệ số rủi ro
trong tổng mức đầu tư, nhưng trong cuộc sống, nhiều nhà đầu tư muốn mức
dự phòng thấp để tổng mức đầu tư không lớn, nếu không, nhà đầu tư sẽ cân
nhắc khi tham gia đấu thầu. Từ đó, dù nhà nước đưa ra mức dự phòng thấp
nhưng thực tế triển khai thì độ rủi ro cao hơn lên thì tổng mức đầu tư
tăng lên” - ông Cao Viết Sinh giải thích.
Vấn đề đấu thầu trong hoạt động mua thuốc chữa bệnh, Chủ nhiệm UB Các
vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề xuất có một chương riêng quy định vì
hiện tại, thuốc là mặt hàng chiếm tỷ lệ ngân sách lớn khi thực hiện đấu
thầu.
Bà Mai cho rằng, dự thảo Luật cần quan tâm đầy đủ đến vấn đề quản lý
đấu thầu và quản lý nhà nước về giá thuốc. Hiện, chi phí thuốc chiếm tỷ
lệ cao trong tổng chi phí điều trị (trên 60%). Nếu có cơ chế quản lý
tốt, đấu thầu tốt, con số này có thể giảm xuống. Trong tình trạng “muôn
hình vạn trạng” về đấu thầu thuốc hiện nay, bà Mai đặt vấn đề, phải đảm
bảo để người dân có thể yên tâm, tin cậy về giá thuốc.
P.Thảo
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/chu-tich-quoc-hoi-thong-thau-doi-gia-cong-trinh-chinh-la-tham-nhung
|