Câu 1: Hiệu lực thi hành của luật?
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2008. Thời điểm bắt đầu áp dụng luật để điều chỉnh các hành vi liên quan đến luật này.
Câu 2: Hành vi nào bị coi là hành vi bạo lực gia đình?
Các hành vi được qui định tại Điều 2 luật phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình.
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Câu 3: Ai có quyền tố cáo hành vi bạo lực gia đình?
Nạn nhân, gia đình nạn nhân hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào phát hiện đều có quyền, trách nhiệm báo tin bạo lực gia đình theo Điều 18 của luật.
Câu 4: Khi báo tin thì báo cho ai/tổ chức? vào ngày nghỉ? ngoài giờ hành chính?
Nạn nhân, người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho:
- Cơ quan công an nơi gần nhất
- Hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã
- Hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực.
Câu 5: Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân là gì?
Theo Điều 19 Luật các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ gồm:
1. Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra, bao gồm:
a) Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;
b) Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;
d) Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (sau đây gọi là biện pháp cấm tiếp xúc).
2. Người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
3. Thẩm quyền, điều kiện áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự.
Câu 6: Biện pháp câm tiếp xúc là gì?
Theo Điều 8 Nghị định 08/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ thì biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình là việc không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện các hành vi sau đây:
1. Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m; trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân.
2. Sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân.
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật
|