Một phần dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, nơi Tổng công ty Đường sắt đang được giao làm chủ đầu tư. Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa có quyết định thay chủ đầu tư một loạt dự án trọng điểm của ngành đường sắt sử dụng vốn ngân sách và vốn ODA. Theo đó, trong số 13 công trình dùng vốn viện trợ phát triển chuyển từ Tổng công ty về Bộ, có 7 trường hợp đang thực hiện, gần một nửa còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Quyết định cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành những công việc cần thiết để sáp nhập Ban quản lý Các dự án đường sắt của Tổng công ty và Ban quản lý dự án Đường sắt thuộc Cục Đường sắt thành một Ban quản lý trực thuộc Bộ. Động thái này được người đứng đầu ngành giao thông đưa ra không lâu sau khi hàng loạt tiêu cực của ngành đường sắt bị phanh phui. Trong đó nghiêm trọng nhất là một số quan chức chủ chốt của hai Ban quản lý đã bị bắt, khởi tố hoặc bị mất chức liên quan đến các dự án đường sắt đô thị Yên Viên–Ngọc Hồi và tuyến Cát Linh–Hà Đông. Hầu hết các dự án Tổng công ty bị bước quyền làm chủ đều có mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có dự án lên đến cả tỷ USD. Đáng kể nhất là công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số I (Yên Viên–Ngọc Hồi), với mức kinh phí giai đoạn đầu (Giáp Bát-Gia Lâm với chiều dài 15,36km và khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi dài 3,85km) gần 19.500 tỷ đồng và tiểu dự án gian đoạn 2a từ Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài 5,649 km, có mức đầu tư là 24.825 tỷ. Tiếp đó là dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai được đầu tư với tổng kinh phí trên 5.760 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh-Sài Gòn, tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn I vay vốn ODA Trung Quốc với tổng mức đầu tư đã vượt con số 2.400 tỷ đồng. Tương tự, dự án Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến từ Hà Nội đi Lào Cai, Đồng Đăng, Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc có tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 2.200 tỷ đồng. Dự án Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội–Vinh vay vốn ODA của Pháp cũng có mức đầu tư gần 1.100 tỷ. Vẫn tại quyết định này, 5 dự án do Cục Đường sắt làm chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách cũng sẽ được chuyển về trực tiếp cho Bộ. Bao gồm 2 dự án đang triển khai là tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh–Hà Đông và dự án Yên Viên–Cái Lân. 3 dự án đang chuẩn bị đầu tư là Sài Gòn–Lộc Ninh, Biên Hòa–Vũng tàu và tuyến đường sắt và Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
|